Share this destination
Di tích mộ và điểm thờ Đào Trí toạ lạc tại Gành Đỏ, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Đây là nơi an nghỉ và là nơi để tưởng nhớ tướng quân Đào Trí một danh nhân lịch sử của vùng đất Phú Yên, có công lớn trong quá trình vệ quốc trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp vào thế kỷ XIX. Khu mộ nằm trên sườn Đông Bắc núi Hòn Vung, nhìn ra toàn cảnh Vũng Lắm, vịnh Xuân Đài, phía trước là ruộng bậc thang trồng lúa, non sông nước biếc, sơn thuỷ hữu tình.
Đào Trí sinh khoảng năm 1799, tự Trung Hòa, gốc người Thanh Hóa, chuyển vào Phú Yên sinh sống tại thôn Tân Thạnh, thuộc huyện Đồng Xuân trong thời kỳ khẩn hoang, lập ấp (nay thuộc phường Xuân Đài, TX Sông Cầu). Xuất thân từ tầng lớp bình dân, có tài thao lược về binh pháp, Đào Trí là quan đại thần phụng sự lần lượt cả ba triều vua nhà Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Năm Tự Đức thứ 21 (1868), Đào Trí được phong hàm Tả quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự, là một trong những vị quan võ cao cấp nhất trong hệ thống quân đội của nhà Nguyễn. Ông còn là một trong những võ quan có nhiều chiến công trong việc đập tan kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp xâm lược, trong những năm 1858-1859.
Không những thế, ông Đào Trí còn là một quan đại thần có nhiều công lao trong việc giáo hóa Nhân dân. Khi đương chức Tổng đốc Định Yên, thấy việc thi hương có nhiều phiền nhiễu, ông đã khảo sớ dâng vua xin cải cách, được vua khen là phải và cho thi hành; hoặc khi người dân Nam Định bị mất mùa đói kém, ông đã cùng với Bố chính sứ Nguyễn Huy Kỷ và Án sát sứ Lê Tuấn tổ chức quyên góp tiền, lúa để cấp cho dân nghèo. Ông cũng là người đứng ra tổ chức đắp đê, khai hoang hơn 17.000 mẫu ruộng, giao cho Nhân dân cày cấy. Ông được vua Tự Đức hết lời khen ngợi, ban thưởng tấm kim bài với chữ “Vị đức - Vị dân”, sai sử quan soạn bài văn bia ghi chép công đức lưu truyền với đôi câu đối:
Thục sản trường tồn thiên địa hật
Ân triêm vinh dũ quốc phong trường.
Tạm dịch: Công lao tồn tại cùng trời đất
Ân đức lưu truyền với nước non.
Đánh giá về cuộc đời binh nghiệp của ông, sách Đại Nam Chính biên liệt truyện có chép: “Đào Trí nhanh nhẹn, thẳng thắn, thích văn chương. Tuy xuất thân là võ quan, nhưng thường đón thầy dạy học, thích đọc sách Vũ kinh, học qua kinh sử…, đúng là bề ngoài thì võ mà bề trong thì văn. Khi đốc suất việc tỉnh thì chính sự được chỉnh đốn, khi thống quản việc quân thì thao lược thông thạo, võ thần như thế thật là ít có”. Công lao của ông đã gắn liền với sự phát triển của đất nước, của dân tộc, của quê hương Sông Cầu. Đào Trí mất năm 80 tuổi (1878) tại làng Tân Thạnh và hiện nay được hậu duệ ông thờ phụng.
Năm 2015, Mộ và địa điểm đền thờ Đào Trí được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
Share this destination
Chưa có đánh giá