Share this destination
Hằng năm, vào các ngày từ 20 đến 23 tháng 3 âm lịch, tại Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn, ngọn tháp Chăm cổ kính tọa lạc trên đỉnh núi Nhạn giữa lòng thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên – lại diễn ra Lễ hội Vía Bà, một sự kiện văn hoá tâm linh độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm Pa, có ý nghĩa đặc biệt với cộng đồng địa phương và du khách.
Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đến Thiên Y A Na – vị nữ thần được người Chăm tôn kính như Mẹ Xứ Sở – người được truyền tụng là đã dạy dân nghề nông, nghề dệt, giúp con người vượt qua thiên tai, mang lại cuộc sống no đủ, bình yên và mưa thuận gió hòa.
Lễ Vía Bà kéo dài từ ngày 20 đến ngày 23/3 âm lịch, trong đó ngày 21/3 là ngày chính lễ, ngày 23/3 là ngày Vía Bà. Hàng trăm đoàn người từ nhiều tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là đồng bào Chăm ở Ninh Thuận- Bình Thuận, lại nô nức kéo về Tháp Nhạn để hành lễ. Mỗi đoàn thường từ 30 đến 50 người, chuẩn bị lễ vật chu đáo, với lòng thành kính sâu sắc dâng lên Thiên Y A Na. Các lễ vật chủ yếu là hoa quả, các sản phẩm nông nghiệp, nhu yếu phẩm hằng ngày như sữa, nước, dầu ăn,…
Một trong những nghi thức không thể thiếu và sôi động nhất của lễ hội là phần múa hầu bóng – nghi lễ truyền thống mang đậm màu sắc huyền bí, được thể hiện bởi các nghệ nhân Chăm. Tiếng trống Paranung, tiếng nhạc lễ ngân vang hòa quyện cùng điệu múa uyển chuyển, như đưa người tham dự trở về không gian linh thiêng của vương quốc Chăm Pa xưa.
Trong lúc nghi lễ diễn ra, đoàn người hành lễ sẽ phát lộc cho bà con tham dự lễ. Lộc có thể là bánh, trái cây, những bó rau hoặc những đồng tiền mệnh giá nhỏ, chỉ 1 hoặc 2 nghìn đồng. Tuy giá trị kinh tế của các phần lộc không nhiều nhưng ai nấy cũng đều cảm thấy vui vẻ và may mắn khi nhận được phần lộc này.
Lễ hội Vía Bà không chỉ là dịp để người Chăm hướng về cội nguồn, gìn giữ nét văn hóa tín ngưỡng đặc trưng, mà còn là nơi giao lưu, gắn kết cộng đồng. Dù đến từ các tỉnh thành khác nhau, mọi người đều cùng nhau chia sẻ niềm tin, lòng biết ơn và sự gắn bó thiêng liêng với Mẹ Thiên Y. Hơn thế nữa, Lễ hội còn thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương đến tham quan, chiêm bái, tìm hiểu văn hóa Chăm, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần và quảng bá hình ảnh Phú Yên – mảnh đất giao thoa văn hóa lâu đời.
Với sự kết hợp hài hòa giữa giá trị lịch sử – văn hóa – tâm linh và cảnh quan thiên nhiên, lễ hội góp phần tạo nên sức hấp dẫn riêng cho du lịch Phú Yên, đưa Tháp Nhạn trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá miền đất “hoa vàng cỏ xanh”.
Share this destination
Chưa có đánh giá